ChatGPT - Trí tuệ nhân tạo được đánh giá thông minh bậc nhất hiện nay, đang khiến cả thế giới "đảo lộn" và cũng gây ra không ít lo ngại. Vậy ChatGPT là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Thứ năm - 24/01/2019 11:17

ChatGPT - Trí tuệ nhân tạo được đánh giá thông minh bậc nhất hiện nay, đang khiến cả thế giới "đảo lộn" và cũng gây ra không ít lo ngại. Vậy ChatGPT là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

"ChatGPT" chắc chắn là từ khóa "hot" nhất hiện nay, xuất hiện tràn ngập trên các mặt báo lẫn các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam cũng như thế giới. Sở dĩ "ChatGPT" được cả thế giới quan tâm bởi lẽ đây là nền tảng trí tuệ nhân tạo được đánh giá thông minh bậc nhất thế giới hiện nay.

Vậy ChatGPT là gì và ai đang đứng sau trí tuệ nhân tạo này? Dưới đây là lời giải đáp.

ChatGPT là gì?

ChatGPT (Viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot được phát triển bởi OpenAI, công ty chuyên nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo.

Nói một cách đơn giản, ChatGPT là một công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên được tích hợp trí tuệ nhân tạo, cho phép trò chuyện với con người một cách tự động thông qua các đoạn chat. Người dùng có thể đặt các câu hỏi để ChatGPT trả lời, hoặc đưa ra những yêu cầu để công cụ này đáp ứng, chẳng hạn yêu cầu soạn thảo một email xin việc hoặc kể một câu chuyện, viết một đoạn văn nào đó…

ChatGPT sử dụng dưới dạng giao diện chat, hỗ trợ tốt cả tiếng Việt (Ảnh chụp màn hình).

ChatGPT sử dụng dưới dạng giao diện chat, hỗ trợ tốt cả tiếng Việt (Ảnh chụp màn hình).

Được đào tạo dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ do con người viết ra giúp ChatGPT có khả năng hiểu tốt các yêu cầu của người dùng và xử lý ngôn ngữ theo cách tự nhiên. Chatbot này còn có khả năng tự học hỏi và cập nhật cơ sở dữ liệu để phản hồi tốt hơn nữa các yêu cầu của người dùng.

Ai là người đứng sau ChatGPT?

ChatGPT được phát triển bởi OpenAI, công ty chuyên nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Mục đích thành lập của OpenAI đó là phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo thân thiện và có lợi, tránh khả năng trí tuệ nhân tạo vượt qua tầm kiểm soát của con người.

OpenAI có trụ sở chính tại thành phố San Francisco (Mỹ), được thành lập vào năm 2015 bởi Elon Musk, Sam Altman, Peter Thiel, Reid Hoffman, Jessica Livingston…

OpenAI, công ty do tỷ phú Elon Musk góp vốn, là

OpenAI, công ty do tỷ phú Elon Musk góp vốn, là "cha đẻ" của ChatGPT (Ảnh: Getty).

Năm 2018, tỷ phú Elon Musk đã từ chức khỏi hội đồng quản trị của công ty, nhưng vẫn tiếp tục tài trợ số tiền lớn cho các hoạt động nghiên cứu của OpenAI. Năm 2019, Microsoft đã cung cấp cho OpenAI khoản đầu tư trị giá một tỷ USD và đến năm 2023, tiếp tục tăng số tiền đầu tư lên 10 tỷ USD.

ChatGPT được OpenAI giới thiệu lần đầu tiên vào ngày 30/11/2022. Hiện ChatGPT vẫn đang dừng lại ở mức độ thử nghiệm và vẫn chưa phải là sản phẩm hoàn thiện.

ChatGPT có thể làm được gì?

ChatGPT được xây dựng dựa trên GPT-3, một mô hình ngôn ngữ với 175 tỷ tham số. Đây là mô hình tập trung hoàn toàn vào ngôn ngữ, vì vậy có được sự hiểu biết sâu sắc về văn bản cũng như văn nói. Đó là lý do ChatGPT có thể hiểu tốt những câu hỏi, yêu cầu của người dùng để đưa ra các đáp ứng phù hợp, với giọng văn tự nhiên và dễ hiểu.

ChatGPT hiện có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm phục vụ khách hàng, trả lời các câu hỏi của người dùng, viết email theo yêu cầu, dịch văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tóm tắt những tài liệu dài để rút ra những ý chính…

Thậm chí, nhiều người còn sử dụng ChatGPT cho những mục đích cá nhân như sử dụng chatbot này để giải bài tập, viết bài phân tích văn học, viết email xin việc…

ChatGPT có thể viết được những đoạn mã lập trình theo yêu cầu (Ảnh: Medium).

ChatGPT có thể viết được những đoạn mã lập trình theo yêu cầu (Ảnh: Medium).

Nhiều trường đại học tại Mỹ đã bày tỏ sự lo ngại khi sinh viên đang sử dụng ChatGPT như một "phụ tá" để hỗ trợ giải bài tập về nhà hoặc viết bài luận. Một số trường đại học tại Mỹ đã cấm sinh viên sử dụng ChatGPT, tuy nhiên, việc để nhận biết một bài luận được viết bởi ChatGPT là điều không dễ dàng gì.

Trên thực tế, giọng văn của ChatGPT không thực sự hoàn chỉnh và trôi chảy như người viết. Tuy nhiên, dựa vào sườn bài và ý tưởng do ChatGPT viết ra, sinh viên có thể chỉnh sửa lại câu chữ để có được một bài viết hoàn chỉnh hơn trong một thời gian ngắn mà không phải tốn công sức để suy nghĩ hoặc tìm hiểu.

Một số trang tin lớn như BuzzFeed hay Cnet… thậm chí còn sử dụng ChatGPT để viết bài thay thế cho con người. BuzzFeed cho biết sẽ sa thải một lượng lớn nhân sự trong năm 2023 và sử dụng ChatGPT để thay thế.

Microsoft là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào OpenAI, "cha đẻ" của ChatGPT, do vậy không có lý do gì để hãng phần mềm này không tận dụng những ưu thế của chatbot này. Hiện Microsoft đã tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing của hãng để giúp tối ưu kết quả tìm kiếm, cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ.

Không dừng lại ở đó, ChatGPT còn đang được phát triển để hỗ trợ viết mã lập trình cũng như phát hiện lỗi trong các đoạn mã lập trình phần mềm.

Giáo sư Christian Terwiesch của trường Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã sử dụng ChatGPT để thử làm bài kiểm tra Thạc sĩ Kinh doanh và kinh ngạc khi chatbot này đạt được kết quả rất ấn tượng, đủ điểm để vượt qua bài thi.

ChatGPT có hạn chế gì?

Mọi phần mềm đều có những giới hạn và lỗ hổng, do vậy ngay cả một phần mềm trí tuệ nhân tạo được đánh giá cao như ChatGPT cũng không là ngoại lệ.

OpenAI đã nhấn mạnh rằng ChatGPT hiện đang trong quá trình thử nghiệm, do vậy đôi khi nó sẽ đưa ra câu trả lời sai cho người dùng. Nhiều người dùng khi sử dụng ChatGPT cho biết nếu đưa ra những câu hỏi với các từ khóa không rõ ràng, chẳng hạn như câu hỏi về một nhân vật nổi tiếng nhưng trùng tên nhiều người, ChatGPT có thể đưa ra các thông tin không chính xác.

Cơ sở dữ liệu của ChatGPT chỉ dừng lại ở năm 2021, do vậy các thông tin về năm 2022 sẽ làm khó trí tuệ nhân tạo này (Ảnh chụp màn hình).

Cơ sở dữ liệu của ChatGPT chỉ dừng lại ở năm 2021, do vậy các thông tin về năm 2022 sẽ làm khó trí tuệ nhân tạo này (Ảnh chụp màn hình).

Nếu gặp phải các câu hỏi quá phức tạp hoặc với những từ khóa không rõ ràng, ChatGPT sẽ đưa ra câu trả lời: "Tôi xin lỗi, nhưng tôi không thể duyệt Internet và tìm thấy bất kỳ thông tin nào khác bên ngoài những gì tôi đã được đào tạo".

Tuy nhiên, khi người dùng đặt câu hỏi một cách chi tiết với những từ khóa rõ ràng, ChatGPT có thể đưa ra câu trả lời chuẩn xác và phù hợp hơn.

Một nhược điểm của ChatGPT đó là sử dụng cơ sở dữ liệu từ năm 2021 và chưa được cập nhật thêm. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu này cũng không được tự động mở rộng thông qua tìm kiếm trên Internet, mà chỉ được cập nhật thông qua nhà phát triển, do vậy, nếu người dùng đặt những câu hỏi về các sự kiện xảy ra sau năm 2021, chẳng hạn như "Đội bóng nào vô địch World Cup 2022?", thì ChatGPT không thể trả lời được. Đây chính là nhược điểm lớn nhất hiện nay của Chatbot này.

Vì sao nhiều người lo ngại ChatGPT?

Không chỉ giúp sinh viên gian lận khi làm bài tập về nhà, nhiều người lo ngại ChatGPT có thể làm suy giảm trí thông minh và sức sáng tạo của con người, khi họ có thể nhờ ChatGPT lên ý tưởng hoặc tạo ra các bài viết thay cho con người, khiến họ không còn phải động não suy nghĩ.

Một điều khiến nhiều người lo ngại về ChatGPT đó là nó có khả năng lan truyền những thông tin sai lệch, khi mà ngày càng nhiều người tin tưởng vào chatbot này, hơn là những thông chính thống.

Chính sự đa năng và khả năng tùy biến của ChatGPT đã khiến cho trí tuệ nhân tạo này gây ra không ít lo ngại trên toàn cầu. Thậm chí nhiều người cho rằng một khi ChatGPT trở nên hoàn thiện hơn, nó hoàn toàn có thể làm thay nhiều công việc của con người, dẫn đến việc tăng tỷ lệ thất nghiệp và thậm chí còn có thể vượt qua tầm kiểm soát của con người.

Quang Huy

31/01/2023

 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin cũ hơn